Quán triệt tinh thần không để lãng phí trụ sở dôi dư sau sáp nhập, Tổng Bí thư Tô Lâm định hướng ưu tiên sử dụng những nơi này làm trường học, cơ sở y tế và không gian công cộng cho người dân.
Sáng 17/4, Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội tiếp xúc cử tri 3 quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, trước thềm kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV.
Báo cáo về dự kiến nội dung kỳ họp thứ 9, đại biểu Quốc hội, Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, cho biết kỳ họp sẽ khai mạc ngày 5/5 và dự kiến bế mạc sáng 28/6, chia làm 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 5/5 đến hết ngày 28/5. Đợt 2 từ ngày 11/6 đến hết sáng 28/6.
Về công tác lập hiến, lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, xem xét thông qua 30 dự án luật và 7 nghị quyết.
Nỗ lực phi thường, quyết tâm sắt đá trong sắp xếp tổ chức bộ máy
Cử tri Trương Văn Cường (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) nhận định kỳ họp thứ 9 là kỳ họp quan trọng. Cử tri tin các đại biểu Quốc hội sẽ cân nhắc, thận trọng đưa ra những quyết định đúng đắn, mang tính cách mạng đối với sự phát triển của đất nước.
Ông Cường ghi nhận những kết quả quan trọng của đất nước trên mặt trận ngoại giao và kinh tế. Theo ông, chúng ta đã có quyết sách táo bạo, giải pháp đột phá khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững, mang lại những thành quả đáng tự hào cho Việt Nam.
Tuy nhiên, bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều phức tạp đang đặt ra những thử thách rất lớn cho ngoại giao và kinh tế, điển hình là việc Mỹ áp chính sách thuế đối ứng rất cao với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Cử tri cũng ghi nhận phản ứng nhanh chóng, kịp thời, khôn khéo của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. “Việc Việt Nam ngay lập tức thiết lập kênh đàm phán, cử đặc phái viên của Tổng Bí thư trao đổi với phía Mỹ về chính sách thuế đối ứng mới cho thấy bản lĩnh, trí tuệ và sự tự tin của Việt Nam trong quan hệ quốc tế”, ông Cường nêu quan điểm.Đại biểu Quốc hội, Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, báo cáo về dự kiến nội dung kỳ họp thứ 9 (Ảnh: Minh Châu).
Cử tri Trần Thị Nhị (quận Đống Đa) nhìn nhận việc sáp nhập tỉnh, thành với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” thực sự là một cuộc cách mạng quyết liệt chưa từng có tiền lệ.
Bà cũng khẳng định người dân đồng tình ủng hộ chủ trương này với mong muốn dành thêm nguồn lực chăm lo cho y tế, giáo dục và chính sách an sinh xã hội.
Với tài sản công và các trụ sở cơ quan dôi dư sau sáp nhập, cử tri đề nghị Chính phủ có giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, tránh lãng phí, đồng thời gợi ý có thể xem xét chuyển đổi công năng những nơi này thành trường học, cơ sở y tế, nhà ở xã hội…
Cử tri Lê Văn Hưu (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ sự tin tưởng và vui mừng trước những quyết sách chưa từng có, tạo nên những chuyển biến đột phá của đất nước thời gian qua.
Ông cũng đánh giá cao những nỗ lực phi thường, quyết tâm sắt đá, sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong thực hiện chủ trương sắp xếp bộ máy chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Cử tri nhấn mạnh chủ trương sáp nhập tỉnh, xã là đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh đất nước và xu thế chung của thế giới, nhằm giảm áp lực cho ngân sách, giảm gánh nặng cho đôi cánh để đưa đất nước vào kỷ nguyên mới.
Không để bị động, bất ngờ và phụ thuộc
Chia sẻ với cử tri, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết từ đầu năm 2025, bối cảnh tình hình thế giới rất phức tạp, điển hình là căng thẳng về hàng rào thương mại thuế quan, sự bất ổn chính trị gia tăng, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ tác động lớn đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
“Việt Nam đang đối mặt với những thách thức mới từ chính sách thương mại và thuế quan của Mỹ”, Tổng Bí thư nhận định, và nói thêm rằng chúng ta phải chủ động ứng phó, nâng cao khả năng phòng vệ thương mại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam.Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri trước thềm kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (Ảnh: Minh Châu).
Theo Tổng Bí thư, vừa qua Trung ương, Chính phủ đã có những ứng phó bước đầu, giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm, nhưng chắc chắn, “cuộc chiến” này còn rất phức tạp, chúng ta cần thích ứng và có chính sách phù hợp.
Nhìn nhận ở góc độ khác, Tổng Bí thư cho rằng “trong nguy có cơ”, trước thách thức ấy, Việt Nam cũng có cơ hội để xem xét lại định hướng phát triển, làm sao để nền kinh tế đủ sức chống chọi với rủi ro.
Đặc biệt, Tổng Bí thư lưu ý trong bất cứ tình huống nào cũng không để bị động, bất ngờ và phụ thuộc.
“Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn, xuất nhập khẩu đứng top 20 thế giới, nếu không có sự chủ động sẽ phải chịu sự tác động lớn. Vì vậy, cần tăng cường thị trường tiêu dùng trong nước, mở rộng thị trường thương mại sang nhiều quốc gia, khu vực thay vì phụ thuộc vào một quốc gia…”, Tổng Bí thư gợi mở.
Bên cạnh đó, theo ông, phải duy trì tăng trưởng kinh tế với mục tiêu trước mắt đạt mức 8% trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số vào những năm tiếp theo.
Tổng Bí thư cho biết Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII vừa qua đã đưa ra nhiều quyết sách chiến lược, trong đó có chủ trương triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính ở địa phương, chuyển mô hình thụ động sang phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển đất nước.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính ở địa phương được xác định trên tinh thần đột phá, mở rộng không gian phát triển mới cho địa phương và đất nước, theo lời Tổng Bí thư.
Việc này, theo ông, không phải chỉ để giảm chi phí hành chính, mà quan trọng là tạo dư địa phát triển cho từng địa phương, giúp bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, khi bộ máy tinh gọn sẽ giúp giảm biên chế, giảm chi tiêu, tiết kiệm ngân sách để dành nguồn lực cho nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.
“Giai đoạn 1 của việc sắp xếp Trung ương đã gương mẫu làm trước với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ và các cơ quan Trung ương. Việc này được đánh giá rất tốt, không ảnh hưởng đến hoạt động đối nội, đối ngoại, không ảnh hưởng đến sự phát triển nói chung của đất nước và người dân, doanh nghiệp nói riêng”, Tổng Bí thư đánh giá.
Không để lãng phí tài sản công dôi dư sau sáp nhập
Trong giai đoạn 2 với mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Tổng Bí thư quán triệt phải phân cấp rõ Trung ương làm gì, tỉnh thành làm gì và cấp xã làm gì. Việc này nhằm khắc phục bất cập trước đây khi có một nhiệm vụ nhưng cả 3 cấp cùng làm, không rõ ranh giới và không rõ trách nhiệm đến đâu.
“Trung ương phải lo chiến lược, lo quốc phòng, an ninh, đối ngoại, còn lại phân cấp cho địa phương. Tổ chức lại cấp xã theo hướng đây là cấp chính quyền gần dân nhất, phục vụ mọi yêu cầu của nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân. Tất cả vấn đề của dân xã phải nắm được hết”, Tổng Bí thư nói.Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội tiếp xúc cử tri (Ảnh: Minh Châu).
Song ông lưu ý việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cần tránh 2 khuynh hướng. Một là sáp nhập các xã, phường quá rộng như một “cấp huyện thu nhỏ” dẫn đến không quán xuyến được địa bàn, không chủ động phục vụ được nhân dân.
Hai là sáp nhập các xã, phường quá nhỏ, dẫn đến hạn chế về không gian, dư địa phát triển, đầu mối nhiều hơn dẫn đến cồng kềnh, kém hiệu quả.
Đặc biệt, theo Tổng Bí thư, việc giải quyết thủ tục hành chính của dân phải ở cấp xã, phường. “Việc gì quá thẩm quyền của xã thì xã báo cáo lên tỉnh, thành phố, dân không việc gì phải lên đến tỉnh”, Tổng Bí thư nhắc lại.
Trước tâm tư của cử tri về việc lựa chọn cán bộ khi sắp xếp bộ máy, Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là vấn đề then chốt của then chốt, phải chọn người đủ tầm, đủ tư duy, đủ trách nhiệm phục vụ nhân dân. “Bộ máy cơ quan Nhà nước không phải nơi trú chân an toàn, một người cá nhân chủ nghĩa không có chỗ trong bộ máy đó”, Tổng Bí thư nói.
Về tài sản công và trụ sở dôi dư sau sáp nhập, Tổng Bí thư khẳng định sẽ không có sự lãng phí nếu tính toán phương án sử dụng phù hợp. Ông nhấn mạnh cần ưu tiên dùng trụ sở các cơ quan dôi dư sau sáp nhập cho trường học và cơ sở y tế.
“Bây giờ làm gì còn đất xây trường cho các cháu đi học. Cơ quan, trụ sở dôi dư có thể ưu tiên cải tạo, mở trường, mở lớp, hoặc ưu tiên cho cơ sở y tế để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân”, Tổng Bí thư nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, ông gợi mở có thể tính toán dùng những cơ sở này cho hoạt động công cộng phục vụ nhu cầu văn hóa, thể thao của người dân. “Tôi tin làm tốt việc này thì không có chỗ nào lãng phí cả”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cũng đề cập một nội dung lớn khác được Trung ương bàn là việc chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng, trong đó có việc hoàn thiện các dự thảo văn kiện đại hội Đảng.
Theo Tổng Bí thư, Hội nghị Trung ương 11 đã đưa vào nhiều điểm mới trong dự thảo văn kiện như xác lập mô hình tăng trưởng mới, xây dựng nền giáo dục quốc dân hiện đại, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của kinh tế quốc gia, tập trung phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số….
Tổng Bí thư đề cập 3 nhiệm vụ chiến lược, quan trọng, mà trước hết là duy trì hòa bình, ổn định, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, để mọi người dân được sống trong hòa bình, ổn định và hạnh phúc.
“Năm nay chúng ta kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, chúng ta hiểu rõ giá trị hòa bình và những khó khăn khi xảy ra xung đột, ta không sợ nhưng phải ngăn chặn, không chỉ hòa bình cho chúng ta mà còn hòa bình cho khu vực và thế giới”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Nhiệm vụ thứ hai là phát triển đất nước với 2 mục tiêu 100 năm, trong đó xác định đến năm 2045 Việt Nam thành nước phát triển, có thu nhập cao.
“Vậy định nghĩa thu nhập cao là như thế nào? Là người dân có thu nhập trung bình 20.000-25.000 USD. Chúng ta hiện giờ chưa được 5.000 USD, so với định mức thu nhập cao còn thiếu 15.000-20.000 USD nữa, nên ta không thể chậm trễ hơn và không thể lãng phí thời gian”, Tổng Bí thư nêu quyết tâm phải đạt mục tiêu này.
Ông cho rằng thế giới đang phát triển rất nhanh và không đợi chúng ta, nếu để khoảng cách phát triển quá xa giữa Việt Nam và thế giới, chúng ta sẽ bị tụt hậu.
Nhiệm vụ chiến lược thứ ba Tổng Bí thư đề cập là nâng cao đời sống cho nhân dân, với tinh thần đất nước phát triển, đời sống nhân dân phải được cải thiện và nâng cao.